Vụ rau Tết vừa rồi, gia đình ông Lê Văn Sang (thôn 9-An Phú-Pleiku-Gia Lai) đã “trúng” bộn tiền nhờ 1 sào khổ qua đen (giống khổ qua Thúy Phi (V1807) của Công ty TNHH giống cây trồng Nông Hữu).
“Trước đây 1 sào này tôi thường trồng đậu cô ve hoặc dưa leo, tuy nhiên năm vừa rồi đọc báo thấy nói trồng khổ qua đen vừa lãi, vừa dễ trồng, ăn trái này ngoài hương vị đậm đà hơn khổ qua thông thường còn trị được bệnh, nhiều người chuộng lại chưa nhiều người trồng nên tôi đánh liều làm thử, ai dè thu lãi quá chừng, gấp mấy các loại rau khác”- Anh Sang vui vẻ cho biết.
Đầu tháng 10 năm ngoái vợ chồng anh bắt đầu trồng khổ qua. Giàn, đất dựa sẵn trên diện tích vốn dùng để trồng đậu cô ve trước đó, chỉ cần xáo qua là đã có thể đặt được cây giống. Chưa đầy 2 tháng sau, khổ qua bắt đầu cho thu hoạch. So với khổ qua thông thường, khổ qua đen trái to và sai hơn rất nhiều. “Bất ngờ là sau khi được thu hoạch, giá thu mua loại khổ qua này còn cao gấp đôi so với khổ qua thông thường”- Anh Sang phấn khởi khoe. “Ban đầu tôi nhập cho siêu thị và các tiểu thương ở Trung tâm Thương mại Pleiku, sau đó có người buôn hàng ra Huế tìm đến đặt vấn đề bao tiêu toàn bộ sản phẩm, giá cao hơn lại thu mua ổn định nên tôi quyết định nhập luôn cho họ”.
Anh Sang cho biết, trồng khổ qua đen chi phí, công chăm sóc… đều thấp hơn so với trồng khổ qua thông thường, lượng thuốc sử dụng cũng ít hơn do ít sâu bệnh- “Từ một sào khổ qua đen này, mỗi ngày thu hoạch thời cao điểm (kéo dài 3-4 tháng) trung bình tôi thu được 2 tạ, cứ hai ngày thu hoạch một lần. Nếu chăm sóc tốt, mỗi đợt trồng cũng phải thu kéo dài tới 5-6 tháng”.
Giá loại khổ qua đen luôn cao gấp đôi so với khổ qua thông thường. “Trước và sau Tết, mỗi kg khổ qua đen tôi nhập cho thương lái chừng 20 ngàn. Dịp Tết tăng cao hơn, lên 25 ngàn đồng/kg. Trồng khổ qua đen không khó, ít sâu bệnh, nguồn thu mua lại rất ổn định, không phập phù như các loại rau thông thường. Một sào khổ qua đen cho lãi bạc trăm triệu là chuyện bình thường”- Anh Sang cười tươi, khoe.
“Tiếng lành đồn xa”, đến thời điểm này, trên cánh đồng An Phú đã có gần chục ruộng khổ qua đen xuất hiện thay cho các loại rau “truyền thống” trước đó. Người trồng rau trong vùng và khu vực lân cận tìm đến học hỏi anh kinh nghiệm trồng loại cây rau “bạc triệu” này ngày một nhiều hơn.
Lê Hòa ( baogialai.com.vn)